Thông tin trên đưa ra trong Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ về quỹ gene giai đoạn 2001 - 2013 do Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức. Hội nghị tập trung đánh giá kết quả về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene động vật, thực vật và vi sinh vật; thảo luận để rút ra kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ gene; thảo luận nội dung cho Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene và định hướng chiến lược các nhiệm vụ quỹ gene trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học, với khoảng 49.200 loài sinh vật. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới gồm 802 loài cây trồng, 17 loài gia súc, gia cầm chính; nguồn gene thủy sản và vi sinh vật phong phú. "Đây chính là những nguồn gene bản địa quý của đất nước cần phải bảo vệ, gữi gìn và phát triển", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, lợi thế này đang bị đe dọa nghiêm trọng do khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu, biến đổi khí hậu đang đe dọa tới tài nguyên gene.
Ông Quân dẫn chứng hiện một số giống như lợn ỉ, gà hồ hiện còn rất ít. Vì vậy nếu không có biện pháp khắc phục thì nguy cơ nguồn gene ngày càng mai một là hiện hữu.
Hơn 25 năm qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành khung pháp lý khá đầy đủ liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gene sinh vật và vi sinh vật. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc bảo tồn gene của Việt Nam là tương đối mới so với thế giới, vì thế hệ thống văn bản quản lý còn thiếu và chưa thống nhất; nguồn kinh phí lại hạn hẹp.
Để khắc phục khó khăn, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng một Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene trình Chính phủ phê duyệt nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ về quỹ gene, bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sinh học quốc gia.
Đồng thời, các đại biểu tại hội nghị cũng đưa ra đề xuất đẩy nhanh việc khai thác và phát triển các nguồn gene thành sản phẩm thương mại đối với các nguồn gene có tính trạng quý hiếm, hoặc có giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào bộ giống quốc gia, tạo ra sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Hương Thu
No comments:
Post a Comment