Ảnh minh họa.
Công ty dầu khí nhà nước Nga – Rosneft đang lên kế hoạch cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất và bán cổ phần tại mỏ dầu Siberia, những dấu hiệu gần nhất cho thấy lệnh trừng phạt từ phương Tây đang “thấm” dần vào công ty từng là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga đã chặn đường tiếp cận tài chính và công nghệ của Rosneft từ phương Tây, "phức tạp hóa" khoản nợ 55 tỷ USD của công ty này, cũng như tước bỏ các tiến bộ khoa học - công nghệ sẽ giúp Rosneft phát triển nguồn năng lượng.
Nhiều người vẫn tin tưởng vào khả năng Rosneft trụ vững trước áp lực trong trung hạn – ngoài lợi nhuận cán mốc 30 tỷ USD/năm, công ty vẫn có thể tiếp cận dòng tín dụng hàng tỷ USD bơm từ Trung Quốc và nhà nước Nga trong trường hợp khẩn cấp.
Nhưng công ty sản xuất dầu khí niêm yết lớn nhất thế giới – sản xuất nhiều dầu hơn các quốc gia thành viên OPEC như Iraq và Iran – đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, ngáng đường kế hoạch mở rộng và hiện đại hóa trong dài hạn.
Trong tuần trước, Rosneft cho biết sẽ cắt giảm nhân công để giảm chi phí, đặc biệt, có thể 25% trong số 4.000 nhân viên tại trụ sở Moscow sẽ phải cuốn gói ra đi.
Đây có thể là đợt cắt giảm nhân công lớn nhất tại công ty này tính từ khoảng 10 năm trở lại đây, từ khi Rosneft mua lại công ty đối thủ YUKOS bị phá sản.
Trong một thập kỷ, sản lượng của Rosneft đã tăng 10 lần, vượt mốc 4 triệu thùng/ngày, tương ứng 4% tổng cung toàn cầu.
Tuy nhiên trong tuần trước, công ty đã thông báo sản lượng giảm 1,3% trong tháng Tám khi hoạt động sản xuất tại Tây Siberia bị ngưng trệ.
Giờ đây, Rosneft đang cần những nguồn đầu tư mạnh tay để có thể khởi động các mỏ dầu mới tại Tây Siberia, nhiệm vụ rất khó khăn giữa đợt trừng phạt.
Ông Putin ghé thăm công nhân viên của nhà máy thuộc công ty Rosneft.
Trong tuần trước, ông Putin cho biết Rosneft sẽ chào đón nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần tại các mỏ dầu tại Siberia, một bước ngoặt lớn đặt trong bối cảnh điện Kremlin vốn có truyền thống hạn chế các nước lớn tiếp cận những mỏ dầu như vậy.
“Quyết định chào mời Trung Quốc mua cổ phần tại giếng dầu Vankor, Tây Siberia phát đi tín hiệu cho thấy vị thế thương lượng của Moscow đã bị giảm sút sau lệnh trừng phạt, và họ đang khát vốn”, bà Emily Stromquist, chuyên gia của tổ chức phân tích Eurasia nhận xét.
Nghẽn dòng tín dụng
Để triển khai các giếng dầu mới và nâng cấp nhà máy lọc dầu, Rosneft cần đầu tư trung bình 21 tỷ USD/năm từ giờ đến 2017.
Ngoài ra, từ giờ tới cuối năm, công ty này cũng cần trả nợ 12 tỷ USD và 17 tỷ USD trong năm sau cho chủ nợ là công ty đối thủ TNK-BP, thanh toán khoản tín dụng 55 tỷ USD vay trong năm 2013, thương vụ qua đó BP nắm giữ 20% cổ phần trong Rosneft.
Rosneft vẫn có thể tiếp cận một phần nguồn tiền từ các dòng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng phương Tây, khi lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ cấm các định chế này cung cấp khoản vay thời hạn dài hơn 90 ngày cho công ty này.
Tuy nhiên trên thực tế, khi Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ sớm tung các biện pháp trừng phạt kinh tế tương tự và bản thân ông Igor Sechin – lãnh đạo Rosneft – cũng có tên trong danh sách trừng phạt cá nhân, hầu như không nhà băng phương Tây nào còn làm ăn với Rosneft, các nhà quan sát cho biết.
“Dòng tín dụng đã ngừng, mọi buổi thảo luận chỉ đơn thuần trên lí thuyết. Ai cũng sợ kịch bản sẽ lặp lại như trường hợp của lệnh cấm vận đối với Iran trước đây, khi các dòng tín dụng và dầu mỏ bị bóp nghẹt”, một lãnh đạo công ty đối tác của Rosneft cho biết.
Không nhận được giúp đỡ từ bên ngoài, Giám đốc điều hành Sechin của Rosneft đã buộc phải vay nhà nước 40 tỷ USD từ một quỹ đầu tư của Nga, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thông qua đề xuất này.
“Rosneft là một nguồn thuế lớn nên công ty cần duy trì mức sản xuất, vì vậy, chúng ta nên giúp đỡ công ty này trong các khoản đầu tư”, ông Medvedev trả lời báo giới cho biết.
Một nguồn tin từ Rosneft cho biết công ty không có kế hoạch vay thêm tiền trong 12 – 18 tháng tới vì dòng tín dụng từ công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc – CNPC đã đáp ứng đủ yêu cầu về thanh khoản.
Có tiền nhưng thiếu chỗ tiêu
Mặc dù chính quyền Moscow và công ty đồng minh Trung Quốc có thể đáp ứng về mặt tài chính cho Rosneft, họ không thể cung cấp các công nghệ trọng yếu cho công ty này.
Trong tuần trước, Rosneft đang lên kế hoạch thay thế toàn bộ máy móc và công nghệ nhập khẩu từ phương Tây khi lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã chặn đứng mối giao dịch thương mại của công ty đối với các sản phẩm này.
Để triển khai các giếng dầu mới và nâng cấp nhà máy lọc dầu, Rosneft cần đầu tư trung bình 21 tỷ USD/năm từ giờ đến 2017.
1/4 lượng máy móc sử dụng để khai thác dầu tại Nga là hàng nhập khẩu, đặc biệt, Nga phụ thuộc nặng nề vào phương Tây đối với các hóa chất xúc tác, thiết bị lọc dầu và bộ phận turbine khí, đồng nghĩa kế hoạch hiện đại hóa nhà máy lọc dầu là gần như bất khả thi nếu thiếu công nghệ phương Tây.
Rosneft lên kế hoạch đưa vào khai thác 10 mỏ dầu mới từ giờ tới năm 2020 nhằm mục tiêu tăng sản lượng dầu và khí thêm 1/3, đạt 6,4 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, kế hoạch nghe có vẻ quá tham vọng trong hoàn cảnh hiện tại
“Rosneft nắm trong tay rất nhiều tiền mặt, vấn đề của công ty này là chiến lược trong dài hạn. Mô hình tăng trưởng của Rosneft đang gặp thách thức”, một ngân hàng phương Tây làm ăn với Rosneft cho hay.
No comments:
Post a Comment