Cấp phép thử nghiệm bay chuyện không hề đơn giản
Chia sẻ với Đất Việt về câu chuyện máy bay dân dụng siêu nhẹ VAM-2 đầu tiên được sản xuất tại nước ta, mở ra những hứa hẹn cho ngành hàng không dân dụng, nhưng không được cấp phép thử nghiệm bay, ngày 4/8, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không VN cho biết: "Chuyện cấp phép cho bay thử nghiệm trên vùng trời là câu chuyện vô cùng khó khăn".
Nói rõ hơn về những khó khăn này, ông Thanh cho biết thêm: "Không phải khó ở chuyện có cho thử nghiệm hay không mà khó ở việc kiểm định độ an toàn của tàu bay, cụ thể đó là yếu tố kỹ thuật cực kỳ khắt khe, vì nó không những liên quan đến an toàn cho những người lái tàu bay mà cả người dân bên dưới mặt đất. Mặt khác, để kiểm định được thì cần phải nhờ đến các chuyên gia kỹ thuật hàng không trình độ rất cao".
Không chỉ vậy, theo ông Thanh việc thử nghiệm bay còn cần có sự đồng ý của Bộ Quốc Phòng với tư cách cơ quan quản lý vùng trời. Được biết, Bộ cũng đã có hướng dẫn cụ thể với cả người nghiên cứu khoa học.
Ông Thanh nhấn mạnh: "Từ trước đến nay, bất kỳ tổ chức cá nhân nào cũng được tự do nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chế tạo, nhưng mà muốn thử nghiệm bay trên vùng trời, thì cần phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý".
Máy bay dân dụng siêu nhẹ VAM-2
|
Bên cạnh đó, ông cũng nhận trách nhiệm, VAM-2 là sản phẩm được chế tạo có đề án, cơ sở dự án sản xuất cụ thể thì việc cấp giấy phép để thực hiện thử nghiệm bay là nhiệm vụ của Cục hàng không. Cụ thể, Cục sẽ kiểm tra, tàu bay phải chứng nhận thiết kế như thế này, được thử nghiệm chế tạo tại một cơ sở này, đầy đủ tất cả các điều kiện về mặt an toàn, sau đó Cục sẽ cấp chứng chỉ, rồi khi nào muốn bay thử nghiệm thì sẽ xin phép Bộ quốc phòng về quản lý vùng trời.
Nếu đăng ký từ 2007 mà chưa giải quyết thì Cục xin lỗi
Theo phản ánh của TS Trần Đình Bá – Hội KHKTVN thì dự án chế tạo Máy bay siêu nhẹ “Made in Vietnam” được Thủ tướng giao nhiệm vụ từ những năm 2003, đã thành công với VAM-1, đến 2007 sản xuất thêm VAM-2 nhưng không được cấp phép thử nghiệm bay nên thành “bò sát” ngủ trọn một thập kỷ trên mặt đất.
Trước phản ánh này, ông Thanh chia sẻ: "Nếu đúng là các nhà khoa học nộp hồ sơ từ 2007 mà Cục chưa xử lý thì tôi đại diện Cục gửi lời xin lỗi đến đội ngũ nhà khoa học chế tạo ra VAM-2".
Tuy nhiên, theo ông Thanh, còn trong trường hợp nếu không đủ điều kiện cấp chứng chỉ thì Cục sẽ xem xét lại. Thậm chí, ông cũng không biết Cục có đủ năng lực để xem xét một bản thiết kế tàu bay hay không? Bởi vì hiện nay tất cả các loại tàu bay của chúng ta đang khai thác đều được sản xuất ở nước ngoài, được nhà chức trách hàng không của nước ngoài công nhận, họ cấp giấy phép, còn Cục chỉ công nhận lại, đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Để cấp giấy phép thiết kế 1 loại tàu bay là đòi hỏi chuyên môn một trình độ công nghiệp hàng không cực cao, đây là vấn đề không phải dễ.
Việc cần làm hiện nay của các nhà khoa học là cần hoàn thiện hồ sơ và nhanh chóng gửi lại cho Cục hàng không, ông Thanh nói rõ: "Hồ sơ cần nêu rõ địa chỉ cơ sở sản xuất, thí nghiệm, hồ sơ về máy bay VAM-2, lúc đó Cục mới bắt đầu thực hiện xem thiết kế máy bay có đảm bảo đáp ứng thiết kế, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn bay hay không".
Về phía Cục theo ông Thanh, Cục rõ ràng nhận địhh, tất cả các nghiên cứu sản xuất chế tạo là quyền công dân, kể cả quyền hiến định và luật pháp, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của tổ chức cá nhân.
"Chúng tôi cũng thấy trong trường hợp này có trách nhiệm của Cục hàng không VN, nhưng chúng tôi phải thụ lý. Sau đó, Cục sẽ phối hợp Bộ quốc phòng, còn phối hợp ra làm sao là trách nhiệm của Cục, chứ Cục không bắt công dân phải tự đi xin Cục, rồi lại tự đi xin Bộ. Chỉ cần có sự liên hệ trực tiếp với Cục", ông Thanh khẳng định.
Cũng như thử nghiệm Tàu ngầm Trường Sa, ông Hòa không phải xin phép Cục hàng hải, Cục đăng kiểm. Chỉ khi nào muốn sản phẩm này thành sản phầm sử dụng trong giao thông thì phải đi xin đăng kiểm.
Ông Thanh vẫn nhắc lại chuyện cấp phép rất khó khăn, khó khăn về an toàn, kỹ thuật chứ còn chuyện quyền nghiên cứu sản xuất, chế tạo không ai có quyền cấm công dân, nhưng khắt khe mặt kỹ thuật để chắc chắn rằng nó đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn về mặt an toàn khai thác tàu bay.
Thanh Huyền
No comments:
Post a Comment