Ngày 7/9, một tàu hộ tống hải quân Canada đang tham gia cuộc diễn tập của NATO ở Biển Đen đã bị 3 máy bay quân sự của Nga bám sát ở ngoài khơi bờ biển phía nam Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Rob Nicholson xác định trong số 3 chiến đấu cơ của Nga có hai chiếc Su-24 Fencer và một máy bay do thám. Ông Nicholson cho rằng gọi đây là một vụ “khiêu khích không cần thiết”. Máy bay Nga đã không gây ra mối đe dọa nào, nhưng nó có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong khu vực giữa lúc một thỏa thuận ngừng bắn mong manh đang được duy trì.
Tàu HMCS Toronto của Canada |
Trong khi đó, Mátxcơva cho biết 3 chiến đấu cơ của họ đang thực hiện “chuyến bay đã định trên vùng biển trung lập ở Biển Đen, gần biên giới Liên bang Nga”.
“Đường bay của các máy bay của Không quân Nga đã đi qua khu vực có HMCS Toronto nhưng máy bay không tiến tới tàu quân sự nước ngoài này”, thiếu tướng Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nói.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh, các nước thành viên NATO hối hả đưa tàu chiến đến Biển Đen tham gia tập trận. Trong số tàu chiến điều động đến Biển Đen có tàu khu trục USS Ross của Hải quân Mỹ, tàu Commandant Birot của Hải quân Pháp, tàu khu trục HMCS Toronto của Hải quân Canada và tàu khu trục Almirante Juan de Borbon của Hải quân Tây Ban Nha.
Trước đó, vào ngày 19/8, máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã bay kèm máy bay trinh sát Mỹ một thời gian và sau đó thực hiện nhào lộn xung quanh P-8 Poseidon. Washington gọi hành động của Không quân Trung Quốc là "hung hăng" và "nguy hiểm". Bắc Kinh cho biết, động thái trên chỉ đơn thuần là một phản ứng với "các hoạt động tình báo quy mô lớn, thường xuyên và chi tiết" của máy bay Mỹ.
Trong vòng một tuần sau cuộc đụng độ đó, Đài Loan đã cử các chiến đấu cơ bám sát hai máy bay quân sự Trung Quốc được cho là đã vào không phận của mình. Các máy bay Trung Quốc khi đó đang trên đường bay tới Biển Đông.
Các cuộc đụng độ không chỉ xảy ra trên không. Hồi tháng 12/2013, một tàu tuần dương mang đầu đạn tên lửa của Mỹ từng đối đầu với tàu hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Trên biển Hoa Đông, cảnh tàu quân sự Trung Quốc và Nhật Bản bám sát nhau cũng thường diễn ra.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, những động thái trên của Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc muốn có đụng độ thật sự. Chỉ là Trung Quốc đang cố gắng gửi đi thông điệp bằng cách đe dọa người khác.
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản khi đó cho rằng, Trung Quốc thể hiện tư thế đối đầu với Mỹ có thể là để tăng cường sĩ khí ở trong nước. Mặt khác, từ khi chính quyền của Tổng thống Obama đề xuất chiến lược xoay trục, Trung Quốc tìm mọi cách thể hiện sức chiến đấu của quân đội có thể tạo ra mối đe dọa cho Mỹ trên các phương diện như tàu ngầm, tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu tàng hình.
Mỹ-Trung cũng đã mở rộng lĩnh vực chiến tranh tình báo xoay quanh bá quyền ở Thái Bình Dương. Vì thế, cuộc đụng độ giữa máy bay hai nước không nằm ngoài mục đích trên.
No comments:
Post a Comment