Giám đốc Trung tâm chống ngập thừa nhận TPHCM chưa cần thiết phải mua xe bơm. Sử dụng xe bơm chống ngập là không phù hợp.
Tại hội thảo khoa học “Các giải pháp giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng” do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM và Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu phối hợp tổ chức ngày 8/4, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học quản lý và công nghệ TPHCM đã đặt ra câu hỏi: Mua 63 xe bơm, xe lớn nhất công suất 40m3/phút, xe nhỏ nhất 20m3/phút thì giải quyết sao nổi lượng nước khổng lồ? Nước ngập trên đường sẽ bơm đi đâu?
Theo ông, cái khó hiện nay của TPHCM là nước không có đường thoát, ngập là do hệ thống cống bị tắc nghẽn, khả năng thoát nước kém.
Ngoài ra, công suất xe bơm 40m3/phút, đường kính ống bơm lên tới 60 cm thì đặt ở đâu? Nếu rải ống trên vỉa hè thì cũng phải vắt qua một số giao lộ, các phương tiện làm sao lưu thông.
Nhiều tuyến đường tại TP HCM cbị ngập nặng vào mùa mưa. Ảnh: An Nhơn. |
Là đơn vị đề xuất mua xe bơm triệu đô để chống ngập, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập thừa nhận TPHCM chưa cần thiết phải mua xe bơm. Sử dụng xe bơm chống ngập là không phù hợp.
“Giải pháp đó chưa cấp thiết phải làm. Mỗi xe cả triệu đô. Bây giờ chỉ cần có những trạm bơm di động thôi. Đó là xe kéo các máy bơm công suất lớn đến các điểm ngập để bơm hút như vừa rồi TPHCM đã làm ở phường An Lạc (quận Bình Tân). Nếu máy bơm công suất không đủ sẽ mua thêm, giá không đắt như xe bơm” - ông Công nói.
Hạn chế công trình cao tầng tại "túi chứa nước"
Đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề ngập lụt tại TP.HCM, ông Lê Thành Công, giám đốc Công ty tư vấn thiết kế DC, cho rằng TP có hệ thống kênh rạch rất tốt để trở thành những hồ điều tiết nước, thay vì phải xây dựng hệ thống hồ điều tiết. Còn GS Nguyễn Minh Hòa cho rằng để giải quyết nạn ngập nước thì bằng mọi giá TP.HCM phải khơi thông lại hệ thống kênh rạch để thoát nước.
“Trong quá trình xây dựng, các công trình lấy mất phần diện tích chứa nước (hồ, ao, kênh, rạch) thì bắt buộc phải trả lại phần diện tích đã san lấp này. Nếu kiên quyết xử lý tình trạng san lấp vô tội vạ thì việc chống ngập sẽ sáng sủa hơn”.
Ngoài ra, GS Hòa đề xuất cần quy hoạch cô lập vùng ngập, giải quyết dứt điểm theo từng vùng.
Còn theo TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường đại học Việt Đức, từ những năm 2000 trở lại đây, TP.HCM bắt đầu mở rộng đô thị xuống phía Nam và phía Đông, nhất là trong giai đoạn gần đây đã tiến về khu vực vốn có nền đất trũng thấp với cao độ từ 1m đến 1,5m, trong khi theo quy hoạch phát triển đô thị thì cốt cao độ phải đạt 2m.
Ông Hiếu cho rằng điều này khiến các khu đô thị mới tại các khu vực trũng thấp nói trên đang đối mặt với nạn ngập lụt. Không đồng tình với ý kiến này, một số nhà khoa học cho rằng không nên đặt vấn đề TP phát triển về phía vùng đất cao sẽ tốt hơn so với vùng thấp vì TP đã quy hoạch hai khu đô thị vệ tinh là khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (nằm trên vùng đất cao) và khu đô thị Hiệp Phước Nhà Bè đã không thành công...
Cũng đồng tình với hướng giải quyết quy hoạch lại đô thị để giảm ngập úng, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, về lâu dài, Thành phố Hồ Chí Minh nên thay đổi hướng phát triển chính.
Thời gian tới, thành phố nên phát triển về phía Đông và Tây Bắc có vùng đất cao, còn vùng đất thấp phía Nam - vốn được coi là túi chứa nước - sẽ hạn chế xây dựng các công trình cao tầng, quy mô lớn, dành đất dự trữ, đề phòng ngập sâu và thường trực.
“Cần thực hiện các giải pháp bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn Cần Giờ đã được hình thành từ hàng trăm năm nay. Bức tường xanh rộng 75.740ha này có tác dụng làm giảm mạnh độ cao của sóng biển, làm yếu lực đập của nước và phân tán rộng nước triều trên diện tích rộng. Khu rừng ngập mặn này không chỉ bảo vệ thành phố từ phía biển mà còn giúp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh và quy mô ngày càng lớn,” phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa chia sẻ.
Minh Trang (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment