Trong khi đó theo khoa học tổ chức thì một cấp quản lý điều hành hiệu quả trong khoảng 7-9 đầu mối. Cho nên với tình hình này sẽ không tránh khỏi chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở. Ngoài ra, chức năng nhiệm vụ của Sở đô thị cũng khác với chức năng nhiệm vụ của Sở trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay số lượng Sở trên địa bàn của tỉnh, thành phố thuộc T.Ư quá nhiều. Điều này đưa đến hệ quả là khó điều hành.
Vì vậy rất cần tổ chức lại các Sở theo hướng liên ngành đa lĩnh vực, để giảm bớt đầu mối, tránh sự chồng chéo. Việc tổ chức lại các cơ quan giúp việc cho chính quyền ở tỉnh, ở đô thị cần phải tập trung về một đầu mối, càng ít đầu mối chừng nào càng tốt chừng ấy miễn là không bỏ sót đầu việc; đầu việc nào cũng có địa chỉ chịu trách nhiệm chính.
Việc tổ chức bộ máy cần phải gọn nhẹ, cơ cấu thứ bậc cho hợp lý, phục vụ tốt nhất các nhu cầu chính đáng của công dân và tổ chức trên địa bàn. Không nhất thiết T.Ư có bộ ngành nào thì tỉnh, thành phố cũng có Sở, ban đó.
Mặt khác, chúng ta cần phân cấp thẩm quyền thích hợp cho cấp chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để bộ máy đủ thẩm quyền giải quyết nhanh nhạy, chính xác các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn.
Bộ máy hành chính phải thực hiện được nguyên tắc “Thẩm quyền tương ứng với trách nhiệm được giao”. Tức là thực hiện rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, cá nhân cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý hành chính.
Còn khoảng 15 Sở trong cơ cấu tổ chức là tối ưu
Chúng ta thấy rằng, các cơ quan chuyên môn của UBND, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đều có hai chức năng và đi theo đó là hai nhiệm vụ. Một là tham mưu cho UBND; hai là thực hiện quản lý hành chính nhà nước do Bộ và UBND phân cấp. Và tùy theo Sở mà hai chức năng này có mức độ “đậm nhạt” khác nhau. Chính vì điều này mà việc phân loại Sở theo tiêu chí Sở có chức năng và nhiệm vụ tham mưu hoặc Sở có chức năng nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước là rất khó.
Nếu tách triệt để dịch vụ công ra khỏi hành chính công; giao việc cung cấp dịch vụ công cho các thành phần khác, nhà nước chỉ lo cung cấp dịch vụ hành chính công thì mới có điều kiện giảm biên chế, giảm đầu mối các cơ quan quản lý.
Nhớ lại trước đây ta từng có Sở Điện lực, Sở Lương thực… Trong Sở Địa chính - nhà đất có bộ phận đo vẽ bản đồ, Sở Giao thông có bộ phận đăng kiểm xe, tàu… Từ khi bước đầu thực hiện xã hội hóa, công việc này giao cho các thành phần khác mọi chuyện vẫn ổn lại thuận lợi hơn cho người dân. Đó là thực hiện nguyên lý "xã hội lớn, nhà nước nhỏ".
Còn chuyện do chính quyền đô thị thì đấy là câu chuyện khác. Khi nào mô hình chính quyền đô thị được cho phép thì lúc đấy tổ chức lại cơ quan giúp việc tổ chức Sở theo hệ thống dọc. Ở các quận đô thị hóa hoàn chỉnh, các phòng chuyên môn là phòng của Sở đặt trên địa bàn quận.
Việc tổ chức lại các Sở có gây ra tình trạng xáo trộn?
Chắc chắn trong quá trình sáp nhập sẽ có nhiều sự xáo trộn. Vì việc tổ chức này sẽ đụng chạm đến nhiều “ghế”, nhiều quyền của nhiều người. Nhưng mục tiêu chung là phải đổi mới, phát triển theo huớng hiện đại, phù hợp với những đặc điểm tự nhiên và xã hội của địa bàn. Việc sáp nhập tổ chức này sẽ phải trải qua một thời “quá độ” để ổn định lại cơ cấu. Nhưng thiết nghĩ, các phương án này có được áp dụng vào thực tiễn hay không, điều này phụ thuộc ý chí của người lãnh đạo. Mô hình tổ chức các sở theo hướng liên ngành đa lĩnh vực sẽ phát huy những mặt tích cực của nó, khắc phục những chồng chéo, rườm rà hiện nay.
Ngoài ra, để có một mô hình tổ chức linh hoạt và hiệu quả có thể tổ chức mô hình linh hoạt phi phòng ban theo kiểu Tổ chuyên viên (Pool of Experts).
Theo mô hình này, không cần lập phòng, ban mà lập các Tổ chuyên viên có trình độ cao đưa về các vùng trong địa phương, đô thị theo từng loại nhu cầu. Các chuyên viên này sẽ thay mặt chính quyền giải quyết công việc cho công dân (tất nhiên là phải kèm theo chế độ ủy quyền, chế độ trách nhiệm, thẩm quyền...).
Một kiểu tổ chức khác cũng được quan tâm đối với chính quyền là tổ chức theo dự án (Project Authority). Người ta tập hợp những chuyên viên có năng lực của các ngành khác nhau, tập trung kinh phí nằm rải rác ở các nơi về một đầu mối dự án. Dự án có Ban quản lý dự án đặt dưới sự chỉ đạo của cấp chính quyền ở đó. Khi dự án hoàn thành thì Ban quản lý dự án giải thể bàn giao lại hiện trạng cho chính quyền quản lý về mặt hành chính nhà nước. Tổ chức theo kiểu dự án tránh được sự chồng chéo không đồng bộ giữa các ngành, tập trung được sức lực và tiền của tránh được lãng phí không cần thiết.
Việc nhập Sở phù hợp xu thế cải cách hành chính, giảm đầu mối tạo tiền đề giảm biên chế, tránh khỏi chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở; khắc phục hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu làm đúng vai trò tư lệnh ngành. Điều này sẽ tạo điều kiện phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn vì khỏi chạy lòng vòng. Công tác quản lý hành chính nhà nước sẽ tốt hơn vì nó quy về ít đầu mối, dễ quy trách nhiệm, lãnh đạo có điều kiện bao quát, phù hợp với khoa học hành chính.
Diệp Văn Sơn
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng - Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại TP.HCM. Hiện là Ủy viên chấp hành T.Ư Hội Hành chính học VN, kiêm Chi hội trưởng chi hội TP.HCM.
No comments:
Post a Comment