Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa những gì đã nói về chủ nghĩa bảo hộ, tình hình sẽ xấu đi đối với nhiều doanh nghiệp Việt.
Trong bài viết ngày 7/4, Bloomberg dẫn trường hợp của doanh nghiệp Phú Tài, một công ty chuyên sản xuất đồ nội thất và xuất khẩu cho các đại lý của Wal-mart làm ví dụ. Theo đó, đối với doanh nghiệp này, việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ giống như một cú đánh sượt qua. Tuy nhiên, nếu ông Trump hiện thực hóa những gì đã nói về theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, tình hình sẽ xấu đi thực sự.
Đặt trụ sở ở một tỉnh miền Trung, có đến 40% doanh thu của Phú Tài phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Nếu Mỹ đánh thuế tăng lên, những bộ bàn ăn hay ghế ngồi ngoài trời của Phú Tài sẽ trở nên quá đắt đỏ.
Nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa tuyên bố về chủ nghĩa bảo hộ |
Tương tự, Delta Sport là một công ty cổ phần có trụ sở ở Thanh Hóa. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Thấu, trong quý I lượng đơn đặt hàng từ Mỹ đã giảm tới 20%. Năm ngoái, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% lượng hàng xuất khẩu của công ty, đem về 30 triệu USD doanh thu. Các khách hàng của công ty bao gồm Wal-Mart và Mizuno.
Ông Thấu cho biết một số khách hàng bán lẻ Mỹ đang cảm thấy lo lắng về những bất ổn trong chính sách của nội các mới. “Chúng tôi có chút lo lắng về triển vọng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ”, ông nói.
Khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là đến thị trường Mỹ, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia châu Á có Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn hơn cả Trung Quốc. Có thặng dư thương mại 32 tỷ USD với Mỹ vào năm ngoái, Việt Nam dễ bị nhắm đến sau khi ông Trump ký sắc lệnh yêu cầu cấp dưới nghiên cứu kỹ tình hình để xác định nguyên nhân khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, Mỹ sẽ điều tra những nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại song phương lớn nhất để đánh giá liệu có phải thâm hụt là do “những hành vi không thích đáng hoặc gian lận” hay không.
Theo các chuyên gia Santitarn Sathirathai và Micheal Wan của ngân hàng Credit Suisse, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu, GDP của Việt Nam có thể giảm gần 0,9%, khiến Việt Nam nằm trong số những nước châu Á bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Việt Nam hưởng lợi từ TPP nhờ việc Mỹ giảm (hoặc trong một số trường hợp còn xóa bỏ) thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, với TPP không có Mỹ, Việt Nam đang chuyển sang “kế hoạch B”.
Chính phủ đã cam kết sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo yêu cầu của các điều khoản trong TPP, trong đó có cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các ngành nông nghiệp và sản xuất cần nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm.
Mới đây, Bộ Khoa học và công nghệ đã phối hợp tổ chức một chuyến đi tới Mỹ cho các công ty Việt Nam để tăng cơ hội gặp gỡ các khách hàng tiềm năng. Chính phủ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Việt Thanh, trong bối cảnh hiện nay, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt là điều hết sức quan trọng.
Michael Michalak, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện đang là lãnh đạo tại Ủy ban kinh doanh Mỹ - ASEAN, nhận định Việt Nam có thể thay thế TPP bằng những hiệp định song phương hoặc đa phương quy mô nhỏ với các nước láng giềng hoặc các nước Mỹ Latinh trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được.
Khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam đã cho thấy sự chủ động khi hướng sang các nước láng giêng châu Á.
Từ rất lâu trước khi Trump ra quyết định chính thức rút lui khỏi Hiệp định, Việt Nam đã chủ động nuôi dưỡng các mối quan hệ khác.
"Việt Nam năng động hơn các nước khác trong việc thúc đẩy hiệp định thương mại, và điều này giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro", Bloomberg dẫn lời Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group ở Singapore cho biết trong một bài viết hồi đầu năm nay.
Hiện nay, Việt Nam có 9 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm hiệp định với Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Bảy hiệp định khác vẫn đang trong quá trình đàm phán.
An Nhiên
No comments:
Post a Comment