Gần đây có 2 vụ việc gây chú ý dư luận: một là chuyện bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa; hai là chuyện khai tài sản cá nhân của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Trong vụ việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh, chuyện lạ không thể tin là sau khi bổ nhiệm “thần tốc” và cho nghỉ việc cũng “thần tốc”, Sở Xây dựng Thanh Hóa báo không lưu giữ hồ sơ của bà này. Còn ở vụ kê khai tài sản cá nhân của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị “tuồn” ra ngoài để báo chí biết.
Nhiều nghi vấn đặt ra về 2 “chuyện lạ” này đang được cơ quan thẩm quyền làm rõ nhưng có thể nói việc quản lý hồ sơ cán bộ là có vấn đề.
Luật Lưu trữ 2011 quy định rất chặt chẽ về hoạt động lưu trữ, trong đó nêu rõ người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý, bảo quản và sử dụng hồ sơ, tài liệu lưu trữ. Do đó, việc lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa “đổ tội” ông chánh văn phòng sở trả hồ sơ gốc cho bà Quỳnh Anh mà không lưu trữ khó có thể chấp nhận. Nhiều người cho rằng đây là cách tránh né không mấy khôn ngoan, quá ấu trĩ do sợ nếu có hồ sơ gốc, cơ quan chức năng có thể phát hiện ai đó sai phạm trong quy trình bổ nhiệm bà Quỳnh Anh.
Còn chuyện liên quan đến lộ thông tin kê khai tài sản cá nhân của ông Huỳnh Đức Thơ đặt ra nhiều vấn đề tranh luận. Có ý kiến nói bản kê khai tài sản của lãnh đạo như ông Thơ không được công bố rộng rãi, mang ra công bố rộng rãi là sai theo quy định của Ban Bí thư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tài sản kê khai của quan chức không phải bí mật quốc gia. Người đảm nhận chức vụ lãnh đạo của tỉnh, thành phố thì cần công khai tài sản để người dân trong tỉnh, thành phố đó biết và giám sát.
Về điểm này, tại điều 44 và 46 Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ: Bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Vậy thì, bản kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ không nằm trong danh mục bí mật nhà nước và không phải là bí mật nhà nước nên phải được công khai tại nơi ông Thơ cư trú để nhân dân giám sát xem ông Thơ kê khai tài sản có trung thực hay không. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ này chứ không phải chuyện lùm xùm để lộ thông tin cho báo chí biết.
Cử tri, người dân luôn muốn biết việc bổ nhiệm, kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo có đúng quy trình, minh bạch, trung thực hay không để thực hiện quyền giám sát. Không ai chấp nhận lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa báo không lưu trữ hồ sơ của bà Quỳnh Anh để từ đó dễ dàng phủi trách nhiệm. Và cũng không ai mong Thành ủy Đà Nẵng truy việc để lộ thông tin kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ, thay vào đó kiểm tra xem thông tin báo chí phản ánh có đúng hay không.
Đó mới thực sự là đề cao dân chủ, đề cao tính minh bạch, trung thực trong quản lý hồ sơ, công tác cán bộ.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment